Những năm gần đây, mủ trôm trở thành cái tên khá thân quen với người dân Việt. Trên nhiều ngả đường, thức uống với cái tên ngồ ngộ “mủ trôm” thu hút không ít người dừng chân, ghé quán thưởng thức. Riêng với các quý bà, chiết xuất từ mủ trôm của cơ sở chế biến mỹ phẩm Vĩnh Tân lại là một loại mỹ phẩm được ưa chuộng, bởi độ tin cậy về chất lượng, giúp phái đẹp ngày càng đẹp hơn, tự tin hơn. Và chiết xuất này, bí quyết này được chính người đồng sáng lập cơ sở, lương y Võ Thị Liễu đem hơn 20 năm trong cuộc đời mình ra nghiên cứu thành công, đưa mỹ phẩm của Vĩnh Tân trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này, khẳng định chỗ đứng vững vàng trên thương trường…
Tuổi thơ nhọc nhằn vùng gió cát
Với lương y Võ Thị Liễu, cây trôm gắn với cuộc đời chị và cũng có những điểm tương đồng như đời chị: Cùng sinh ra, lớn lên trên đất cằn khô, hoang vu miền cực nam Trung bộ; cành lá tươi xanh nhưng thân mộc thô ráp và trong thân mình thô ráp đó là dòng nhựa tuôn chảy nuôi cây, dòng nhựa quý cho đời.
Tuổi thơ nhọc nhằn của chị trôi qua ở thôn La Bá, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận – nơi vì khó nghèo, cha bị bệnh mà cả nhà dắt díu nhau về. Là con gái lớn, chị quần quật sớm hôm để phụ nuôi 5 em nhỏ, lúc vào làm rẫy, lúc gánh buồng chuối về chợ miền xuôi bán kiếm tiền mua gạo… Rồi Liễu đi dạy học cho con trẻ trong vùng, năm 19 tuổi cô giáo trẻ lập gia đình, cuộc sống cũng trôi đi trong bấp bênh. Nhưng niềm đam mê ngành dược cùng với những hiểu biết về dược lý và sự chịu khó tìm tòi nghiên cứu đã kéo cô giáo Liễu ra khỏi vùng đất cằn để vào TP Hồ Chí Minh tầm sư học đạo. Liễu vừa làm thuê như giúp việc nhà, rửa chén quán ăn để học đông y ở Chợ Lớn. Sau 5 năm, chị quay về Tuy Phong, bắt tay vào việc nghiên cứu mủ trôm.
Chị cho biết: Nhiều năm làm nghề, tôi thông thuộc hết các loại cây thuốc trong rừng. Với cây trôm, người dân quê tôi cũng đã biết làm thức uống từ lâu nhưng tinh chế dược phẩm, mỹ phẩm thì chưa ai làm và không đủ điều kiện, ý chí mà làm. Chỉ có tôi quyết tâm mày mò với mủ trôm ròng rã hàng chục năm trời. Lúc này một người nhà của chị cũng với tầm nhìn xa đã quyết trồng thuần dưỡng, trồng công nghiệp 50 hecta cây trôm. Cây lên xanh tốt, bắt đầu cư dân trong vùng nhiều người cũng tìm cách trồng loại cây độc đáo và có giá trị này.
Tinh chế thành công dược phẩm, mỹ phẩm từ mủ trôm
Thành công đầu tiên của Liễu là bào chế thành công loại thuốc mát gan tiêu nhiệt độc từ mủ trôm, 9 trong 10 người dùng đều khen thuốc có công dụng tốt. Nhận thấy công dụng của thuốc, nhất là làm mát gan, đẹp da, Liễu nghĩ đến việc tinh chế mỹ phẩm từ mủ trôm. Nhưng việc này không dễ chút nào, 20 năm nghiên cứu có đến 15 năm thất bại. “Nhưng tôi không nản, tôi đem bản thân mình ra thử nghiệm. Nhờ đó mà tôi tìm được bí quyết thành công, chiết xuất ra những dòng sản phẩm ưng ý nhất”, Liễu cho biết. Hiện nay các sản phẩm B1, B2, B3 của Vĩnh Tân làm ra không đủ bán, ngoài cơ sở chính ở Tuy Phong, chị còn mở ra các cơ sở tại TPHCM để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị tâm sự: “Được góp phần giúp cho phái đẹp càng đẹp hơn, cuộc sống tốt hơn, với tôi là hạnh phúc. Tôi vui khi ngày càng có nhiều khách hàng thân thiết ở khắp 63 tỉnh thành, có các đại lý là bác sĩ dược sĩ tin dùng sản phẩm của mình. Từ đó tôi xác định bằng mọi giá phải giữ chữ tín trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm chất lượng sản phẩm; đó là chữ tín với người trồng trôm, bạn hàng, người dùng sản phẩm”.
Thành công được như hôm nay nhưng với Liễu, không thể bằng lòng mà phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chị tâm sự: Chuyện học là quan trọng nhất, học mới đem lại kiến thức, giúp mình thành công. Không có nhiều thời gian đến trường lớp thì tự học qua sách vở, qua thầy cô, bạn bè, qua nghiên cứu. Dược sĩ Bùi Thị Bạch Loan nói về người bạn của mình: “Liễu là người có ý chí học tập, tạo dựng sự nghiệp và quý nhất là việc học và hành đó đều để giúp cho đời cho người”.
Trong công việc thường ngày Liễu luôn tất bật với các dự án, đơn hàng, nên hễ rảnh rỗi và thu xếp được là chị lại về với miền quê của thuở hàn vi và đến với người nghèo, các phận đời cơ nhỡ khắp mọi miền đất nước. “Lúc nghèo khó mơ có sự nghiệp thành công mà tự mình tìm tòi, tạo dựng. Nay thành công thì phải nhớ giúp lại những người nghèo khó”, chị tâm sự như vậy và không nói về những chiếc xe lăn, những cây cầu giúp đồng bào vùng sâu vùng xa, giúp người nghèo người bệnh những đồng tiền giúp chữa bệnh hay vượt qua lúc ngặt nghèo. Chỉ có người nghèo những nơi này nói về chị rằng đó là người tốt bụng, lòng lành, thương dân nghèo.
Xây nhà máy tinh chế collagen
Với những thành công đó, sắp tới cơ sở Vĩnh Tân sẽ xây dựng nhà máy đạt chuẩn quốc tế ở huyện Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận. Nhà máy sử dụng công nghệ Nhật Bản, tinh chế collagen, mặt nạ từ mủ trôm. Chị Liễu tin tưởng nhà máy không chỉ đem lại việc làm mà còn khai thác, tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho người dân địa phương. “Khi đời sống bà con khấm khá hơn, bớt đi những cảnh nghèo; khi loài cây của quê hương trở thành nguồn dược liệu quý để chế ra những mỹ phẩm tuyệt vời tôn thêm cái đẹp của nhan sắc Việt, đó là mong muốn lớn nhất của đời tôi”, chị Liễu tâm sự.
Lương y Võ Thị Liễu Và Hành Trình Nghiên Cứu Mỹ phẩm Mủ Trôm Vĩnh Tân
Tác giả:
Admin
| Đăng ngày: